KQKD Q1-2021 (Cập nhật #2, 23/4/2021): Các doanh nghiệp hoàn thành 1/3 kế hoạch năm

Share this on: Hanoi, Thg4 24 2021 - 10:47 SA

Tính đến ngày 23/4/2021 đã có 337/1671 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCOM (chiếm 21,9% vốn hóa toàn thị trường) công bố BCTC hoặc ước tính kết quả kinh doanh cho Q1-2021 với triển vọng LN năm 2021 khá tích cực.


Tính đến ngày 23/4/2021 đã có 337/1671 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCOM (chiếm 21,9% vốn hóa toàn thị trường) công bố BCTC hoặc ước tính kết quả kinh doanh cho Q1-2021 với triển vọng LN năm 2021 khá tích cực. 

  • Q1-2021, tăng trưởng lợi nhuận vượt xa tăng trưởng doanh thu: Xu hướng này vẫn chưa thay đổi so với lần cập nhật đầu tiên mặc dù có thêm 283 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh. Cụ thể, doanh thu thuần của 337 doanh nghiệp ước tăng 18,7% so với cùng kỳ nhưng LNST tăng tới 104,6% YoY. Sự chênh lệch này về cơ bản đến từ việc cải thiện biên lợi nhuận (hơn là từ nguồn thu nhập khác) của một số ngành lớn như Tài nguyên Cơ bản, Bất động sản, và Dầu khí (vẫn câu chuyện về BSR như chúng tôi đã phân tích trong cập nhật #1).

  • Biên lợi nhuận của một số ngành cải thiện nhưng không mang tính bền vững. Trong đó, Tài nguyên Cơ bản với LNST tăng 217% YoY dù doanh thu tăng 42%, chủ yếu do HPG tích trữ hàng tồn kho trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào và giá bán thép trong nước cùng tăng mạnh, giúp cải thiện biên lợi nhuận của DN thép này. Trong kỳ, HPG còn ghi nhận 500 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thoái vốn mảng nội thất. Bất động sản với doanh thu tăng 99% nhưng LNST tăng tới 181,6% do một số DN như PDR, DXG, và IJC ghi nhận doanh số lớn từ bán đất nền (có biên lợi nhuận cao) và giá căn hộ tăng 7% YoY trong Q1.
  • Tăng trưởng lợi nhuận hầu hết đã được phản ánh vào giá cổ phiếu nhưng vẫn có nhiều DN với LN tăng tốt nhưng giá cổ phiếu giảm: Những thông tin “rò rỉ” về kết quả kinh doanh tích cực Q1-2021 đã giúp giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có “sóng lớn” trong 3-5 tuần trước khi số liệu chính thức được công bố, trong đó nổi bật là nhóm Tài nguyên Cơ bản có HPG, SMC, TMG, NKG hay Bất động sản như DXG và PDR. Ở chiều ngược lại, nhiều nhóm cổ phiếu có giá giảm dù lợi nhuận khả quan hay trên đà hồi phục và định giá đã không còn quá đắt: VLXD Biên Hòa (VLB), Phát triển KCN Tín Nghĩa (TIP), DAP – Vinachem (DDV), Cao su Đồng Phú (DPR), Cảng Đồng Nai (PDN), Bia Sài Gòn Miền Tây (WSB).
  • Triển vọng lợi nhuận năm 2021 tích cực: 102/337 doanh nghiệp này đã đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2021, với lợi nhuận dự kiến tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2020, gần với mức tăng trưởng FiinGroup dự báo trong báo cáo FiinPro Digest #7 (23,2%). Trong Q1-2021, các DN này đã hoàn thành 25,3% kế hoạch doanh thu và 32,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021 (xem Biểu đồ 2). Do đó, chúng tôi tin rằng các DN này có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021 và thậm chí vượt kế hoạch nếu thị trường thuận lợi.

Do số lượng doanh nghiệp công bố chưa đủ lớn nên những phân tích về lợi nhuận trong Cập nhật #2 này vẫn chưa mang tính đại diện cho toàn ngành hay toàn thị trường. Quý khách hàng nên sử dụng những phân tích trên với sự cẩn trọng nhất định.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật Kết quả kinh doanh Q1-2021 của các doanh nghiệp đang niêm yết và gửi tới quý khách hàng đang sử dụng hệ thống FiinPro và FiinTrade với tần suất hàng tuần (1-2 cập nhật/tuần tùy vào số lượng doanh nghiệp công bố KQKD).

Ngoài những đánh giá chung về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận theo khối (Tài chính và Phi tài chính) và theo nhóm ngành, chúng tôi cũng cung cấp chi tiết danh sách các doanh nghiệp đã công bố KQKD nhằm hỗ trợ quý khách hàng trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư và xây dựng danh mục đầu tư. Để nhận được danh sách này, quý khách hàng vui lòng liên hệ với đầu mối dịch vụ của FiinTrade.

Happy Investing!



« Go Back

TRY FiinPro-X FREE FOR 14 DAYS

Get Free Trial Now