Thị trường điều chỉnh, dòng tiền tìm cơ hội ở cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ
Áp lực bán lan rộng hơn đã khiến thị trường đảo chiều giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp, thanh khoản cũng về vùng giao dịch thấp trong năm và dòng tiền quay ra tìm kiếm các cơ hội ở các cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ.
Tín hiệu có chút tích cực hơn vào cuối phiên hôm qua khi VN-Index được kéo lên mức cao nhất ngày và thanh khoản cũng cải thiện, đã nhanh chóng tan biến ngay trong phiên giao dịch sáng 30/10. Mặc dù áp lực bán không quá lớn nhưng lực cầu khá yếu đã khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm khi bên bán có chút gia tăng áp lực. Chỉ số VN-Index dần rời xa mốc tham chiếu và tạm dừng phiên sáng ở mức thấp nhất trong phiên.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm. Dù một số mã bluechip đảo chiều hồi phục đã nhen nhóm tia hy vọng lấy lại sắc xanh của thị trường, nhưng áp lực bán thường trực nhanh chóng kéo VN-Index giật lùi trở lại.
Thị trường khép lại phiên giao dịch với mức giảm nhẹ hơn 3 điểm và vẫn trong xu hướng tích lũy trong vùng giá 1.250 – 1.260 điểm. Thanh khoản giảm mạnh trở lại, xác nhận là một trong 3 phiên thấp nhất trong tháng 10. Trong đó, điểm sáng thị trường vẫn thuộc về cổ phiếu bất động sản và xây dựng, với mã điển hình trên HOSE như NVL, DXG, HHV, LCG, TDH, QCG…; hay trên HNX có IDC, VC2, cùng HBC trên UPCoM.
Chốt phiên, sàn HOSE có 163 mã tăng và 210 mã giảm, VN-Index giảm 3,15 điểm (-0,25%) xuống 1.258,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 536,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 12.700 tỷ đồng, giảm 38,65% về khối lượng và 32,52% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 61,58 triệu đơn vị, giá trị 1.524,64 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tích cực hơn khi chỉ còn giảm chưa tới 2 điểm, với 17 mã giảm và 8 mã tăng. Trong đó, VHM dù đã thu hẹp biên độ đôi chút về cuối phiên nhưng vẫn giảm mạnh 3,7%, đóng cửa đứng tại mức giá 41.150 đồng/CP khi chịu thêm áp lực bán từ nhà đầu tư ngoại, với khối lượng bán ròng đạt hơn 1,7 triệu đơn vị, là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi gần 1,7 điểm của chỉ số chung. Tuy nhiên, thanh khoản của VHM sôi động nhất thị trường với hơn 31,82 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các mã giảm mạnh tiếp theo là SSI, PLX, VNM với mức giảm đều hơn 1%, còn lại chỉ trên dưới 0,5%. Ngược lại, các mã tăng tốt nhất trong rổ này vẫn là thành viên nhà bank, gồm STB, VIB, TCB, với VIB tăng 1,3% và khớp 21,74 triệu đơn vị, STB tăng 2,2% và khớp hơn 17 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, trong khi nhóm ngân hàng phân hóa giữ trạng thái cân bằng bởi các mã tăng giảm, thì nhóm chứng khoán kém khả quan hơn khi sắc đỏ lan rộng. Trong đó, VIX giảm 1,4% và tiếp tục có khối lượng khớp lệnh lớn nhất nhóm này, với 14,32 triệu đơn vị khớp lệnh; các mã SSI, VND, HCM, VDS cũng giảm hơn 1%; còn FTS, ORS, VDS, VCI, AGR giảm nhẹ.
Ở nhóm bất động sản cũng diễn ra trạng thái phân hóa mạnh. Bên cạnh mã lớn VHM giảm sâu, một mã đáng chú ý khác là DPG tiếp tục bị xả bán ồ ạt và sớm nằm sàn ngay khi mở cửa phiên chiều. Đóng cửa, DPR vẫn không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo khi giảm 6,9%, xuống mức giá 53.000 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt đạt xấp xỉ 3,6 triệu đơn vị, gấp 4 lần mức giao dịch trung bình của 10 phiên gần đây và khối lượng dư bán sàn gần 0,2 triệu đơn vị.
Trái lại, các mã nhỏ như CIG, TDH, QCG, DC4 đều đóng cửa trong sắc tím với trạng thái dư mua trần. Ngoài ra, NVL và DXG cũng là những điểm sáng của ngành, kết phiên lần lượt tăng 3,4% và 1,2%, với thanh khoản cùng đạt hơn 11 triệu đơn vị; các mã HHV và LCG cùng tăng hơn 1%; PDR, DIG, VRE, HDC, HDG, NLG… kết phiên tăng nhẹ.
Trên sàn HNX, mặc dù thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc, nhưng lực cầu sôi động cùng sự hỗ trợ tích cực của nhóm HNX30, đã giúp HNX-Index khép lại với mức tăng nhẹ.
Đóng cửa, sàn HNX có 65 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,14%), lên 225,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,53 triệu đơn vị, giá trị 653,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,55 triệu đơn vị, giá trị 324,69 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận gần 18 triệu đơn vị, giá trị hơn 280,5 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, IDC vẫn giữ sức nóng trong phiên chiều. Kết phiên, IDC tăng 2,8% lên mức 55.200 đồng/CP, với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu, đạt hơn 19 triệu đơn vị. Ngoài ra, trong nhóm bất động sản và xây dựng có VC2 tăng 6,5% và khớp 1,5 triệu đơn vị, DTD tăng 2% và khớp gần 1,1 triệu đơn vị.
Ở nhóm chứng khoán, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong khi VFS là một trong những điểm sáng nhỏ của ngành, kết phiên tăng 1,3% và khớp 1,28 triệu đơn vị. Trong đó, cổ phiếu SHS kết phiên giảm nhẹ 0,7% xuống mức 14.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 5,45 triệu đơn vị; MBS giảm 1,4% và khớp 1,8 triệu đơn vị.
Xét về vốn hóa, ở nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ, AMV vẫn sôi động với hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa tiếp tục đứng tại mức giá sàn 1.800 đồng/CP; NRC giảm 2,5% xuống mức 3.900 đồng/CP và khớp 1,97 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều hồi phục về cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,15%), lên 92,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,91 triệu đơn vị, giá trị 355,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,8 triệu đơn vị, giá trị 101,62 tỷ đồng.
Cặp đôi nhỏ BCR và HBC là tâm điểm của thị trường. Trong đó, BCR kết phiên tăng 1,8% và khớp hơn 2,65 triệu đơn vị; còn HBC tăng 6,1% và khớp 2,06 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu lớn hơn, VEA tiếp tục tỏa sức nóng khi xác nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp, kết phiên hôm nay tăng gần 3% lên mức giá cao nhất trong hơn 3 tháng qua, tại 45.300 đồng/CP, đặc biệt là thanh khoản đột biến lên tới hơn 2 triệu đơn vị, gấp gần 6 lần mức trung bình 10 phiên gần đây.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó chỉ số VN30F24111 tăng 2,6 điểm, tương đương +0,2% lên 1.342 điểm, khớp lệnh 186.935 đơn vị, khối lượng mở gần 51.610 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CVHM2404 có thanh khoản vượt trội với 7,35 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giá giảm 44,6% xuống 460 đồng/cq. Theo sau là CVIB2404 khớp 3,98 triệu đơn vị và đóng cửa đứng giá tham chiếu 10 đồng/cq.
T.Thúy
« Quay lại
Sự kiện
-
Jan 28, 2019
[FiinPro Data] 2018 Earnings Update: 82% of businesses reported profits with a 16% growth
-
Dec 07, 2018
-
Oct 22, 2018
-
Oct 09, 2018
-
28/04/2020
-
09/10/2018
Đầu tư ngành ngân hàng liệu còn hấp dẫn?
Cổ phiếu ngành Ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong suốt những năm qua. Số liệu FiinPro cho thấy cổ phiếu ngành này đã đạt mức tăng trưởng 3 con số trong năm năm qua, tăng 154.1% so với mức tăng 2 con số của VNIndex là 96.5%. Liệu sức hấp dẫn của cổ phiếu Ngân hàng có còn trong những tháng cuối năm 2018 và năm 2019?