Những mảng xám lợi nhuận quý III

Share this on Hà Nội, 15 Tháng Mười Một 2024 - 06:34 SA
Những mảng xám lợi nhuận quý III

Trong 9 tháng đầu năm 2024, không ít doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với các khó khăn, thách thức, nên lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.


Thu đủ bù chi là mừng

Kết quả kinh doanh quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết có sự phân hóa rõ nét. Ở phía màu xám của bức tranh kinh doanh, lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ, năm nay xác định thu đủ bù chi là mừng.

Thực tế cho thấy, có những doanh nghiệp ghi nhận lỗ lớn như trường hợp của Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Dầu khí Nam Sông Hậu, mã PSH), dù được mệnh danh là “đại gia xăng dầu miền Tây” và năm 2024 lên kế hoạch đạt doanh thu 14.566 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 327 tỷ đồng.

Trong quý III/2024, Dầu khí Nam Sông Hậu chỉ đạt doanh thu 93,7 tỷ đồng, giảm 89,7% và lợi nhuận sau thuế âm 182,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi 11,2 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận doanh thu 618,7 tỷ đồng, giảm 88% và lỗ sau thuế 556,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 277,5 tỷ đồng.

Doanh thu giảm trong khi chi phí tài chính tăng là nguyên nhân chính khiến Dầu khí Nam Sông Hậu thua lỗ. Chi phí tài chính trong quý III/2024 của Công ty là hơn 102 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2023; luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, chi phí tài chính là 348,2 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 9/2024, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Dầu khí Nam Sông Hậu tăng 17,6% so với đầu năm 2024, lên hơn 5.497 tỷ đồng, cộng với vay và nợ thuê tài chính dài hạn 1.411 tỷ đồng, Công ty có tổng dư nợ tài chính hơn 6.908 tỷ đồng, chiếm 71% nợ phải trả.

Tương tự, trong 9 tháng đầu năm 2024, Công ty cổ phần Miền Đông (mã MDG) chỉ đạt 159,3 tỷ đồng doanh thu, giảm 71,5%; lợi nhuận sau thuế âm 10,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 4,5 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tính đến cuối tháng 9/2024, Miền Đông có khoản phải thu khó đòi 36,3 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Đầu tư LDG. Trong năm 2023, doanh nghiệp đã trích lập dự phòng 100% khoản này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Miền Đông, khoản nợ của Công ty Đầu tư LDG không phải mất hoàn toàn, vì tài sản của công ty đó vẫn còn nhiều, khả năng thu hồi nợ cao.

Tại Công ty cổ phần Giống bò Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, mã MCM), kết quả kinh doanh năm nay đi xuống chủ yếu do doanh thu giảm vì tình hình cạnh tranh trong ngành gia tăng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm do lãi suất tiền gửi giảm.

Trong quý III/2024, Mộc Châu Milk đạt doanh thu 739,6 tỷ đồng, giảm 9,4%; lợi nhuận sau thuế 42,6 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là quý ghi nhận lợi nhuận thấp nhất của Công ty trong 2 năm trở lại đây.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Mộc Châu Milk ghi nhận 2.174 tỷ đồng doanh thu, giảm 7%; lợi nhuận sau thuế 148,8 tỷ đồng, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch năm 2024, Công ty thực hiện được 64,5% mục tiêu doanh thu (hơn 3.367 tỷ đồng) và 44,8% mục tiêu lợi nhuận sau thuế (332 tỷ đồng).

Trước thực trạng kinh doanh sa sút, ngày 19/10/2024, Hội đồng quản trị Mộc Châu Milk đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh và marketing đối với ông Đặng Đức Nam.

Mộc Châu Milk hiện có hai cổ đông lớn là Vilico (mã VLC), tỷ lệ sở hữu 59,3% và Vinamilk (mã VNM), tỷ lệ sở hữu 8,85% vốn. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị Vinamilk đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Mộc Châu Milk.

Tìm lối đi

“Chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán phải cạnh tranh, chúng tôi chỉ mong bán hết hàng, không bị tồn kho và hoà vốn là may”, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành thuỷ sản nói và cho biết, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cá tra, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu năm nay rộng dư địa nhưng do giá vốn cao, cạnh tranh gay gắt nên lợi nhuận sụt giảm.

Các khó khăn ở thị trường trong và ngoài nước cùng áp lực cạnh tranh lớn đã khiến 163.800 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, những rủi ro và thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước và giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng.

Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp phải tìm lối đi riêng, chủ động khai mở thị trường mới như Selex Motors, một startup trong lĩnh vực sản xuất xe máy điện tại Việt Nam đã xuất khẩu xe máy điện Selex Camel cùng hệ sinh thái đổi pin và chia sẻ năng lượng sang Philippines.

Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành, mã TTF) cho hay, công ty con là Công ty cổ phần Đồ gỗ Casadora đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư vào Dubai, đánh dấu bước tiến chiến lược tại thị trường Trung Đông.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Gỗ Trường Thành lỗ gần 27 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế đến ngày 30/9/2024 lên gần 3.268 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do thị trường các khách hàng lớn gặp khó khăn khiến doanh thu xuất khẩu của Công ty giảm, cùng với đó là chi phí logistics tăng cao và tình trạng gián đoạn vận tải toàn cầu vì xung đột quân sự ở một số khu vực dẫn tới khách hàng dời ngày giao hàng.

Việc mở rộng và tìm kiếm khách hàng mới tại các thị trường như châu Âu, Mỹ, châu Á và mới đây là Dubai kỳ vọng sẽ giúp Công ty tăng sản lượng trong thời gian tới. Ngoài ra, việc tái cấu trúc tập trung vào các hoạt động kinh doanh hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp dần cải thiện bức tranh tài chính.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, theo ông Nguyễn Quốc Việt, việc cân bằng giữa các động lực tăng trưởng, nhất là giữa động lực xuất khẩu và tăng trưởng của thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững được đặt ra một cách cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.


Hải Minh


« Quay lại

 Sự kiện

Miễn phí 14 ngày dùng thử FiinPro-X

Dùng bản thử ngay