Chứng khoán vào ‘mùa hoa bằng lăng’?
Hoa bằng lăng tím có vẻ đẹp mê mẩn nhưng cũng chóng tàn. TTCK Việt Nam có vẻ như đang bước vào “mùa hoa bằng lăng” khi những áp lực lớn tạm thời hạ nhiệt, nhường chỗ cho kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế.
4 áp lực lớn
Sau quãng tăng gần như không nghỉ từ đầu năm, thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh từ cuối tháng 3/2024. Cao trào của quãng điều chỉnh vừa qua là vào ngày 15/4, chỉ số VN-Index giảm tới gần 60 điểm (tương đương 4,7%), rồi tiếp tục giảm gần 1 điểm vào phiên 16/4, giảm gần 23 điểm vào phiên 17/4 và giảm hơn 18 điểm vào phiên 19/4. Sau 4 phiên giảm liên tiếp như trên, VN-Index tạo đáy ở mức 1.174,85 điểm (thấp hơn khoảng gần 120 điểm so với mức đỉnh của năm) rồi đi lên.
Nhìn lại, có 4 áp lực lớn khiến thị trường chứng khoán lao dốc trong khoảng thời gian trên. Đầu tiên phải kể đến áp lực lạm phát. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, mặc dù lạm phát chỉ tăng nhẹ trong tháng 4 so với tháng trước, đà tăng mạnh của giá lợn hơi, cùng với mức tăng trên cơ sở hàng tháng thấp của cùng kỳ năm ngoái, là yếu tố khuếch đại thêm mức tăng lạm phát so với cùng kỳ
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI Việt Nam tăng 0,07% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng dầu trong nước và giá các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dược phẩm tăng. CPI lũy kế 12 tháng tăng 4,4%, vẫn trong mục tiêu kiểm soát 4-4,5% đặt ra đầu năm 2024, nhưng đã rất sát mức cận trên.
Áp lực lớn thứ hai đến từ tỷ giá USD/VND. Căng thẳng địa chính trị cùng với dữ liệu tăng trưởng tốt hơn dự báo gần đây của Mỹ khiến chỉ số đồng Dollar (DXY) tăng cao. Tính đến ngày 13/5, tỷ giá USD/VND đã tăng tới 4,9% so với đầu năm.
Áp lực tỷ giá gia tăng khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có những hành động can thiệp cụ thể nhằm chặn đà mất giá của tiền đồng. Theo VNDIRECT, đầu tiên, NHNN công bố bán USD cho các ngân hàng thương mại đang có “tình trạng ngoại tệ âm” ở mức 25.450 đồng nhằm bình ổn thị trường. Thứ hai, NHNN tổ chức đấu giá vàng nhằm tăng nguồn cung vàng SJC và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, biện pháp này chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
Diễn biến chỉ số VN-Index từ 10/2023 gắn với các sự kiện kinh tế. Nguồn đồ thị: Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Áp lực thứ ba đối với thị trường chứng khoán là lãi suất huy động có dấu hiệu tạo đáy và tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 4, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại tư nhân dao động quanh mốc hơn 4,61%/năm, tăng 0,05 điểm % so với cuối tháng 3. VNDIRECT cho rằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy nhưng khó có khả năng tăng mạnh trở lại ngay, ít nhất trong quý tới do nền kinh tế và tăng trưởng tín dụng mới phục hồi ở tốc độ vừa phải.
Áp lực thứ tư là các biến động địa-chính trị có tác động nhất định đến tâm lý các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư “tay to” chính là các chủ doanh nghiệp.
Trước 4 áp lực trên, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh khá sốc nhưng sau đó lại phục hồi rất nhanh. Từ lúc tạo đáy vào ngày 19/4, VN-Index chỉ mất 10 phiên để lấy lại mốc 1.250 điểm, trong đó có chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, và chỉ còn cách mức đỉnh của năm khoảng 40 điểm. Có thể thấy, mặc dù đã phản ứng mạnh với các rủi ro nhưng có nguyên nhân nào đó hết sức quan trọng đã kéo thị trường phục hồi nhanh chóng khi các áp lực trước đó dần hạ nhiệt.
Động lực tới từ kỳ vọng phục hồi lợi nhuận
Nguyên nhân trên nhiều khả năng là kỳ vọng vào đà phục hồi lợi nhuận. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của hơn 1.000 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán tăng 3,4% so với quý gần nhất, đánh dấu quý tăng lợi nhuận thứ hai liên tiếp và thiết lập mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 7 quý.
Điểm đáng chú ý là các ngành mang tính “chỉ báo sớm” cho quá trình phục hồi kinh tế cho ra kết quả lợi nhuận rất khả quan. Đó là ngành bán lẻ ghi nhận lợi nhuận quý đầu năm nay tăng tới 367% so với cùng kỳ năm ngoái; đặc biệt, “ông lớn” MWG ghi nhận lợi nhuận ròng lên đến trên 900 tỷ đồng, trong khi 4 quý liên tiếp trước đó, lợi nhuận ròng mỗi quý chưa đến 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành du lịch và giải trí cũng ghi nhận mức tăng vượt bậc về lợi nhuận, nhất là các hãng hàng không; đơn cử như HVN báo lãi ròng lên đến trên 4.300 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi lỗ ròng hàng quý suốt từ quý I/2020.
Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết quý I/2024 tiếp tục tăng so với quý liền trước. Nguồn đồ thị: Công ty Chứng khoán SSI
Không dừng lại ở đó, nhiều chỉ tiêu tài chính khác của các doanh nghiệp cũng được cải thiện. Theo SSI, biên lợi nhuận gộp quý I/2024 của nhóm ngành Phi tài chính đã cải thiện tích cực lên 14,9%, từ mức 13,8% trong quý IV/2023. Biên lợi nhuận ròng trung bình cũng tăng mạnh lên 5,9%, là mức cao nhất trong 7 quý.
Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí lãi vay/ tổng vay nợ của nhóm Phi tài chính giảm mạnh về 5,8% cuối quý I/2024, từ mức đỉnh là 7,8% thiết lập cuối quý II/2023. Tổng chi phí lãi vay theo đó giảm từ 19,7 nghìn tỷ đồng trong quý II/2023 xuống 15,2 nghìn tỷ đồng trong quý I/2024 mặc dù tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng nhẹ.
Cùng với đó, hệ số thanh toán lãi vay tăng tích cực, trung bình ở mức 4,74 lần trong quý I/2024, so với mức 3,21 lần trong quý IV/2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của nhóm Phi tài chính cải thiện từ mức 8,2% trong quý I/2023 lên 10,6% trong quý I/2024.
Ngoài ra, cũng còn một số yếu tố khác hỗ trợ thị trường chứng khoán, chẳng hạn như việc Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đất đai 2024 được đề xuất có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024. Hoặc như việc thị trường trái phiếu ấm dần lên khi trong tháng 4/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 14.390 tỷ đồng, tăng 33,3% so với tháng trước và cao gấp 21,4 lần so với cùng kỳ. Trong tháng 5, theo ước tính của VNDIRECT, có khoảng hơn 13.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, hạ nhiệt đáng kể so với trước; các hoạt động đàm phán thay đổi kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong tháng 4.
Một yếu tố khác tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường chứng khoán trong dài hạn là việc tỷ suất sinh lời của VN-Index (tính bằng nghịch đảo của hệ số định giá E/P) ở mức khoảng 7%, cao hơn hẳn mức lãi tiết kiệm 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức 4,6%, phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.
Tỷ suất sinh lời của kênh chứng khoán cao hơn đáng kể tỷ suất sinh lời của kênh gửi tiết kiệm ngân hàng. Nguồn đồ thị: Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Trong bối cảnh những áp lực lớn tạm thời hạ nhiệt, nhường chỗ cho kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế, nhà đầu tư có thể tận hưởng “vẻ đẹp của sự kỳ vọng” trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong một vài tháng tới cho đến khi các áp lực lớn dần trở lại. Giống như mùa hoa bằng lăng tím đang diễn ra, vẻ đẹp của hoa khiến con người mê mẩn nhưng lại chóng tàn, dễ rụng sau những cơn mưa lớn.
Thanh Long
« Quay lại
Sự kiện
-
Jan 28, 2019
[FiinPro Data] 2018 Earnings Update: 82% of businesses reported profits with a 16% growth
-
Dec 07, 2018
-
Oct 22, 2018
-
Oct 09, 2018
-
28/04/2020
-
09/10/2018
Đầu tư ngành ngân hàng liệu còn hấp dẫn?
Cổ phiếu ngành Ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong suốt những năm qua. Số liệu FiinPro cho thấy cổ phiếu ngành này đã đạt mức tăng trưởng 3 con số trong năm năm qua, tăng 154.1% so với mức tăng 2 con số của VNIndex là 96.5%. Liệu sức hấp dẫn của cổ phiếu Ngân hàng có còn trong những tháng cuối năm 2018 và năm 2019?